TẢN MẠN CUỘC HÀNH TRÌNH TRẢI NGHIỆM TẠI KHU BẢO TỒN THIÊN NHIÊN EASÔ

Lượt xem:


Khi ánh mặt trời lấp ló rạng đông, những mảng sương đêm lướt thướt tan dần cũng là lúc đoàn xe trải nghiệm sáng tạo của thầy trò trường THCS Nguyễn Văn Trỗi chúng tôi lăn bánh theo hướng Đông Bắc, dọc quốc lộ 26 rồi rẽ vào đường tỉnh lộ 29 nhằm hướng khu bảo tồn thiên nhiên EaSô thẳng tiến. (Đoàn xe khởi hành trải nghiệm sáng tạo tại khu bảo tồn thiên nhiên EaSô)
Cuộc khởi hành thật náo nhiệt khẩn trương với 100 học sinh và thầy cô giáo cho kịp lịch trình. Tinh thần của mọi người thật phấn kích, trên xe các em hát hò vui vẻ, thầy Vũ tổng phụ trách đội thỉnh thoảng pha trò làm không khí thêm rôm rã. Xe chạy được 20 phút là ra khỏi vùng dân cư sinh sống, đưa cả đoàn hòa vào rừng núi thiên nhiên hoang dã thơ mộng. Tất cả như vỡ òa thích thú cảm giác hòa mình trải nghiệm, hứa hẹn sẽ khám phá bao điều lí thú đang chờ phía trước.
Đón đoàn tại trạm chính là chú Trinh – phó giám đốc khu bảo tồn thiên nhiên sinh thái EaSô, với thân hình dông dỏng cao rắn rỏi, làn da nâu rám nắng, đủ biết bao vất vả của các chú làm công tác tuần tra bảo vệ rừng. Trong nhà trưng bày, chú đã giới thiệu sơ lược về khu bảo tồn thiên nhiên EaSô, nhìn vào bản đồ đủ thấy được sự rộng lớn và vị thế quan trọng của khu rừng đặc dụng nguyên sinh này trong việc bảo vệ và duy trì tính đa dạng sinh học, các nguồn tài nguyên thiên nhiên của đất nước cũng như cuộc sống của người dân Tây Nguyên và duyên hải miền Trung. Theo lời giới thiệu, các em học sinh đã chú tâm ghi chép đầy đủ để làm tư liệu học tập. Ấn tượng nhất là những loài động vật quý hiếm được ghi trong sách đỏ thế giới cũng có tại khu bảo tồn này: những chú bò rừng, bò tót vạm vỡ với cặp sừng công vút; những loài chim, loài thú chỉ được học trong sách vở nay các em cũng đã tận mắt nhìn thấy; những thảm thực vật, các khu rừng lá rộng, lá kim, rừng khộp, rừng thường xanh với những loài gỗ quí như: trắc, lim, bằng lăng, cam xe, giáng hương…quả là bà mẹ thiên nhiên thật ưu ái, dang rộng cả vòng tay che chở cho muôn loài (động vật ở đây có 279 loài, thự vật có 716 loài). Chính những cách rừng này đã cùng đồng bào Tây Nguyên và bộ đội giải phóng làm nên những chiến tích lịch sử của tháng 3 năm xưa (10 -3- 1975). Câu thơ “Rừng che bộ đội rừng vây quân thù” của nhà thơ Tố Hữu cho ta hiểu thêm ý nghĩa sâu sắc giá trị của rừng.
(Nhà trưng bày các mẫu vật về hệ động thực vật của khu rừng Bảo Tồn thiên nhiên EaSô)
Tiếp tục cuộc hành trình là đập thủy điện Krông H’Năng. Ánh nắng mặt trời lúc này đã chói chang, trải rộng trên mặt hồ bao la lộng gió. Con sóng lăn tăn lóe ánh mặt trời như tinh nghịch đùa cùng mây trời. Vắt qua đập là cầu Đắc Phú, hiên ngang như chàng dũng sĩ rừng xanh với cánh tay lực lưỡng nối giữa hai bờ vui của tỉnh ĐắkLắk và Phú Yên. Đứng trên cầu lộng gió, đám học sinh tự cho mình đặc quyền thả hồn theo đại ngàn, chỉ trỏ ngắm nhìn cảnh núi rừng xa tít, căng lồng ngực hít thở không khí trong lành.
(Khám phá đập thủy điện Krông H’Năng trong khu bảo tồn )
Nghe tiếng còi hiệu lệnh cả nhóm xếp hàng ngay ngắn, lắng nghe chú bảo tồn giới thiệu về con đập thủy điện Krông H’Năng, cũng như xứ mệnh của nó với cuộc sống của người dân ĐắkLắk và các tỉnh miền xuôi. Vị trí của chúng tôi đứng là ở đập xả tràn, đập có bốn cửa xả, vào mùa mưa khi cửa đập được kéo lên là hàng nghìn mét khối nước tung bọt trắng xóa thi nhau tuôn trào. Từng tốp học sinh thi nhau xuống tận chân đập để thấy hết được sự bề thế sừng sững của nó. Vào dịp này là mùa khô Tây Nguyên nên dòng xả nằm trơ những đá lổm chổm. Lúc leo lên em nào cũng vả mồ hôi nhưng không dấu được sự thích thú trong ánh mắt rạo rực nói cười. Sau khi tham quan đập thủy điện, đoàn xe trở ngược lại theo hướng trạm chính rồi đi sâu vào rừng tới Trạm 9 của khu bảo tồn. Lối rẽ vào trạm là con đường đất ngoằn ngoèo, hai bên cây cối um tùm thi thoảng vài con sóc tinh nghịch chuyền cành, tiếng chim ríu rít gọi bạn, cánh bướm vàng bay lượn rập rờn ngoài cửa kính. Tuy bướm chưa xuất hiện thành đàn, nhưng nó là dấu hiệu đặc trưng của mùa khô Tây Nguyên – bướm vàng Tây Nguyên, mà mọi du khách đều thích thú ấn tượng khi về đây.
Cuốn theo làn đất bụi, vượt qua chục con dốc của 5 quả đồi, đoàn đã đến trạm dừng chân cuối cùng. Khu vực này thật lí thú, có nhiều thứ để trải nghiệm, để ghi chép tìm hiểu khám phá cho các phân đội theo sự hướng dẫn của các thầy cô theo nhóm chuyên môn, địa, sinh, sử. Các em đã tập hợp ngay ngắn, sẵn sàng xuống suối. Một sự tĩnh lặng yên vắng thật dễ chịu, cái không khí ngột ngạt trên xe bỗng tan biến. Đi dưới tán lá rừng mát rượi xào xạc lá khô làm cho con người ta cảm giác khoan khoái. Càng gần xuống suối, tiếng nước chảy róc rách nghe càng rõ như đang thúc dục vẫy gọi những người bộ hành háo nước, một không gian thoáng đãng hiện ra bên bờ suối, bãi đá nhấp nhô nằm trơ lì như thách đố thời gian với rong rêu bám phủ.
(Lối xuống suối ngàn)
Thầy Hòa trưởng đoàn, ra hiệu lệnh cho tất cả được tự do nghỉ ngơi 10 phút, rồi sâu đó tiến hành công việc như đã phân công cho các nhóm. Đám học sinh chỉ chờ có thế là vỡ hòa vào dòng suối trong veo, khoát những giọt nước mát lạnh ngọt ngào lên mặt, lên tay, nhúng bàn chân xuống tận hưởng dư vị của rừng xanh. Các nhóm thi nhau trao đổi, nói chuyện rộn rã cả khu rừng, những nụ cười xóa tan bao sự mệt nhọc bụi đường.
(Tận hưởng dòng suối mát trong lành ở khu bảo tồn EaSô)
– Đây là lần đầu tiên em được vào rừng, đi suối thầy ạ! Cả đám nhao nhao. Em cũng thế…Em cũng thế…!
Thầy Thuần – hiệu trưởng vui vẻ, nhắc nhở các em phải cẩn thận giữ mình, không được đi xa đoàn.
Thầy nói: “nếu các em chăm ngoan, học giỏi vâng lời, lần sau nhà trường sẽ tổ chức cho đi nữa”. Một tràng vỗ tay lây động cả cây rừng, làm cho những chú chim giật mình phải lao mình ra khỏi chổ ẩn nấp.
Các chú bảo tồn cùng các thầy cô hướng dẫn học sinh nấu cơm lam, câu cá suối, nấu những món ăn dân dã với rau rừng. Một buổi sinh hoạt tập thể đã diễn ra sinh động dưới sự hướng dẫn của thầy trưởng đoàn và anh tổng phụ trách, những bài hát về rừng, về quê hương, tuổi trẻ lần lượt được cất lên rộn rã. Những ánh mắt trên nét mặt thanh tú, tâm hồn thơ ngây ở các em học sinh đã làm cho cây rừng cũng như các thầy cô và các chú bảo tồn thêm xao xuyến nhớ lại một thời thanh xuân tuổi trẻ của mình.
(Cùng trải nghiệm nấu cơm lam)
Ôi tuổi trẻ! Sức trẻ! Cuộc sống này là của các em, núi rừng này là của các em, những chủ nhân tương lai của đất nước sẽ vươn mình như dũng sĩ của đại ngàn.
Ánh nắng chiều len lõi qua tán lá rừng vui đùa cùng gió, cành lá lay động tinh nghịch. Một ngày trải nghiệm thực tế ngoài thiên nhiên hoang dã thật thú vị đầy ý nghĩa. Những điều các em thu nhặt được có lẽ không sách vỡ nào có thể diễn tả hết được, không dòng cảm xúc nào gột tả hết lời. Tất cả sẽ là dấu ấn kỉ niệm, những kỉ năng sống thực tế sẽ nâng các em khôn lớn nên người, tâm hồn các em sẽ rộng mở để gắn kết bao yêu thương và gìn giữ bao giá trị cho đời.
-Thanh Cẩm-