“Mỗi tuần một câu chuyện đẹp, một cuốn sách hay, một tấm gương sáng” …
Lượt xem:
Chắc hẳn trong chúng ta ai cũng đã từng đọc sách. Từ bác nông dân, các em nhỏ, đến học sinh, các thầy cô giáo hay cả các giáo sư, tiến sĩ, nhà khoa học … Dù là ai đi nữa thì mỗi người sẽ dành riêng cho mình cuốn sách hay nhất. Có người chọn giữ riêng cho mình cuốn sách đó nhưng cũng có những người chọn giới thiệu cho mọi người cùng đọc, cùng yêu thích cuốn sách đó. Người ta nói: “ Nghề nhà giáo là nghề cao quý nhất trong những nghề cao quý”. Vì vậy, xin giới thiệu cuốn sách “ Truyện chọn lọc viết về Nhà giáo Việt Nam: Vằng vặc một tấm lòng”.
Cuốn sách “Truyện chọn lọc viết về Nhà giáo Việt Nam: Vằng vặc một tấm lòng” bìa mềm, có màu đỏ, chữ màu vàng và đen nổi bật cuốn hút ngay từ cái nhìn đầu tiên. Bìa sách ấn tượng với hình ảnh ba người đàn ông, một người trẻ với bộ quân phục màu xanh giống với hình ảnh người chiến sĩ công an, người thứ hai là một thanh niên gầy guộc và người còn lại là một người đàn ông đã già đeo mắt kính, vầng trán có nhiều nếp nhăn. Mặt sau cuốn sách giới thiệu về những cuốn sách nằm trong bộ “Truyện chọn lọc viết về Nhà giáo Việt Nam”, như: Hoa mẫu đơn, Bình minh trong ánh mắt, Khung cửa chữ, Nẻo khuất…
Cuốn sách này do nhà xuất bản Giáo dục ấn hành tháng 7 năm 2007. Đây là tuyển tập những câu chuyện hay trong cuộc thi viết chuyện ngắn về Nhà giáo Việt nam trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc, được Bộ giáo dục và đào tạo, Hội nhà văn Việt Nam, Công đoàn giáo dục Việt Nam và nhà xuất bản Giáo dục Việt nam phối hợp tổ chức.
Cuốn sách có khổ 13×20,5 cm cầm vừa tay, dày 252 trang với bốn phần rõ ràng. Phần đầu tiên là lời mở đầu nói về cuộc thi viết truyện ngắn về Nhà giáo Việt Nam và lời giới thiệu về bộ sách “Truyện chọn lọc viết về Nhà giáo Việt Nam”. Phần ba cũng chính là phần chính nhất của cuốn sách gồm 22 câu chuyện của 22 tác giả khác nhau với những thông điệp khác nhau; các câu chuyện đã phê phán cái xấu, cái ác, nâng niu, vun trồng cái tốt đẹp, cái cao thượng trong cuộc sống học đường, nhưng tất cả có chung một tấm lòng nhân hậu, một trái tim nhân ái, luôn thấu hiểu và cảm thông chia sẻ. Phần cuối là phần mục lục phần hầu như cuốn sách nào cũng có, phần này giúp cho người đọc theo dõi bố cục cuốn sách một cách tổng quát nhất.
Trong 22 câu chuyện có câu chuyện “Vằng vặc một tấm lòng” của tác giả Đỗ Hữu Minh nằm ở trang 103-112 của cuốn sách, tên câu chuyện được sử dụng làm tựa đề cho cuốn sách chắc hẳn đó là một ý đồ của nhà biên soạn sách. Truyện viết về sự kính trọng và tình cảm của Giang, một trong những học trò của thầy Tâm, một người thầy trong suốt quãng thời gian đứng trên bục giảng luôn tận tâm với nghề. Thầy Tâm đã nuôi nấng dạy bảo Giang khi cậu còn là cậu trẻ mồ côi cha mẹ. Và giờ đây, khi đã trở thành một chiến sĩ công an thực thụ, Giang vẫn không quên ngày Nhà giáo Việt Nam. Giang vẫn về thăm người thầy đã nuôi Giang khôn lớn. Còn Ninh, ngày nào còn là một cậu học trò nghịch ngợm, luôn khiến thầy Tâm phải phiền lòng giờ cũng đã trở thành người công an. Tất cả là nhờ tấm lòng cao cả của thầy Tâm, sự nhân ái của thầy đã khiến Nam cậu thanh niên đã từng sa đà vào con đường ma túy đã dám đứng ra chịu tội trước pháp luật. Một câu nói của thầy “ Cuộc đời ai cũng có những lúc sa ngã, nhất là tuổi thơ đã bị cơn sốt của cuộc đời. Biết lỗi con hối lỗi là tốt”. Điều đó cũng đủ để thấy được sự nhân ái bao dung của thầy Tâm, người thầy biết bao thế hệ yêu quý. “Tất cả cùng chuẩn bị để ngày mai nữa trở lại trong niềm vui đoàn tụ, hạnh phúc hơn”. Một câu kết rất ý nghĩa: “ Đúng, sự chia tay ngày hôm đó của Nam và thầy Tâm, rồi khi trở lại sẽ đứng vững hơn trên con đường của một người có tấm lòng và sự yêu thương nhân ái như thầy Tâm”.
Mỗi câu chuyện đưa ta đến một miền quê khác nhau, một gia đình, một tình huống, một mối quan hệ … ở đó có những điều bổ ích, những điều cần học hỏi, chia sẻ, cảm thông. Câu chuyện “Vằng vặc một tấm lòng” chỉ là một phần nhỏ của cuốn sách. Mọi người hãy tìm đọc cuốn sách “Truyện chọn lọc viết về Nhà giáo Việt Nam: Vằng vặc một tấm lòng” để biết được những hình ảnh thầy giáo, cô giáo, những người học sinh thân yêu, lúc ở hoàn cảnh này khi ở hoàn cảnh kia … Lúc còn là thầy giáo hay khi đã rời khỏi bục giảng nhà trường. Họ là ai, là người như thế nào? Cô giáo Dung đã nhiệt tình giúp Văn vượt qua khó khăn để tiếp tục đi học trong câu chuyện “Cô và quê hương” trang 143-153 của Trần Thị Kim Thoa; Cô Thơ yêu nghề tại vùng căn cứ cách mạng đã mang cái chữ đến cho người Mạ trong câu chuyện “Ba thế hệ thầy giáo” trang 185-197 của Nguyễn Thị Tuyết Sương; hay những câu chuyện nói về những con người yêu nghề giáo, một lòng vì học sinh, vì cuộc sống tươi sáng như: “Cái tâm Nhà giáo” trang 7- 22 của Nguyễn Văn Thanh, “Phía bên lề bục giảng” trang 48- 54 của Lê Minh Quốc, “Đắm đuối vì nghề” trang 224-234 của Đàm Quang Mây. Và rất nhiều câu chuyện khác với nhiều nội dung ý nghĩa khác nữa.
Đọc xong chúng ta thấu hiểu được những gì thầy giáo, cô giáo đã phải trải qua trong cuộc đời đi gieo cái chữ của mình. Họ đã chịu thiệt thòi như thế nào? Thầm lặng hy sinh ra sao? Tiếp cận với cuốn sách này chúng ta sẽ biết được rằng các thầy giáo, cô giáo là người viết lên những bản tình ca, những trang sử hào hùng của dân tộc. Sẽ là một thiếu sót nếu chúng ta không nhắc tới cách thể hiện nội dung nghệ thuật của bộ truyện chọn lọc này. Các tác giả đã viết bằng những câu văn khi dài khi ngắn, lúc trầm lắng vo tư khi dạt dào cảm xúc. Cách kể chuyện như lời thủ thỉ tâm tình, như tâm sự. Có thể nói cả cuốn sách là một mạch cảm xúc đằm thắm sâu lắng tình người, gây ấn tượng mạnh cho người đọc. Đọc một lần rồi nhớ mãi không thể quên. Cuốn sách giáo dục cho mọi người lòng yêu quê hương đất nước, tình cảm gia đình, ý chí vươn lên không mệt mỏi trong học tập hay trong giảng dạy và rèn luyện. Chúng ta mãi mãi không bao giờ quên những tấm gương của những bậc tiền bối, những thầy giáo, cô giáo đã ghi lên những trang sử vẻ vang của dân tộc, ghi vào tượng đài lịch sử. Dù thời chiến hay thời bình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc bước chân của các thầy, các cô vẫn không bao giờ biết mỏi. Họ mãi mãi là niềm tin yêu của Tổ quốc và nhân dân. Là tấm gương sáng cho các thế hệ noi theo.
Đọc thêm một cuốn sách, hiểu thêm một cuộc đời và góp phần nâng cao giáo dục toàn diện, thực hiện tốt mục tiêu, nhiệm vụ của các cấp các ngành đề ra. Đọc những câu thơ này chúng ta sẽ thấy rõ điều đó:
“Đọc đi em những cuốn sách trên tay
Lúa xanh mượt cánh cò bay lả
Tổ quốc vút lên tầm cao rực rỡ
Cũng bắt đầu từ trang sách em ơi”
Nếu dòng sông cứ mượt mà tuôn chảy, mang phù sa làm tươi tốt ruộng đồng thì một cuốn sách hay làm tươi thắm thêm vẻ đẹp tâm hồn ở mỗi người đọc …
Nguồn: http://c3krongno.daknong.edu.vn/bai-du-thi-gioi-thieu-sach-dat-giai-nhat-nam-hoc-2017-2018.html