ÔN LẠI TRUYỀN THỐNG NGÀY 15/10 …

Lượt xem:


Vào thời điểm ngày 15 tháng 10 hàng năm, các trường trong cả nước lại tổ chức tuyên truyền kỉ niệm ngày Bác Hồ gửi lá thư cuối cùng cho ngành Giáo dục, ngày thành lập Hội Liên hiệp Thanh niên (LHTN) Việt Nam và với ngôi trường Nguyễn văn Trỗi này, chúng ta còn kỉ niệm ngày hi sinh của anh hùng liệt sĩ Nguyễn Văn Trỗi.

Ngay sau khi Cách mạng tháng Tám thành công, Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chủ trương phải hình thành một mặt trận thanh niên rộng rãi và thống nhất do Đoàn Thanh niên Cứu quốc làm nòng cốt. Ban Thường vụ Trung ương Đảng chỉ thị cho Tổng bộ Việt Minh chuẩn bị hình thành mặt trận đoàn kết rộng rãi các tầng lớp thanh niên lấy tên là Đoàn thanh niên Việt Nam. Tháng 6/1946, Tổng đoàn Thanh niên Việt Nam ra đời (gọi tắt là Đoàn Thanh niên Việt Nam), sau đổi thành Liên đoàn Thanh niên Việt Nam – một tổ chức rộng rãi của mọi thanh niên yêu nước tự nguyện đứng vào hàng ngũ của Liên đoàn do Đoàn Thanh niên Cứu quốc làm nòng cốt. Cuối năm 1946, Liên đoàn Thanh niên Việt Nam là thành viên chính thức của Liên đoàn Thanh niên dân chủ thế giới.

Tháng 02/1950, Liên đoàn Thanh niên Việt Nam tổ chức Đại hội lần thứ I tại xã Cao Vân, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên. Đại hội là sự thể hiện khối đoàn kết của toàn thể thanh niên Việt Nam trong mặt trận thanh niên vì mục tiêu kháng chiến thắng lợi. Đại hội đã thông qua Nghị quyết và Điều lệ của Liên đoàn Thanh niên Việt Nam và bầu đồng chí Nguyễn Chí Thanh, Ủy viên BCH Trung ương Đảng làm Chủ tịch Liên đoàn Thanh niên Việt Nam (đồng chí Nguyễn Chí Thanh sau này là Uỷ viên Bộ Chính trị Trung ương Đảng, Đại tướng, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam).

Trong khí thế tiến công mạnh mẽ của tuổi trẻ miền Bắc đang ngày đêm hàn gắn vết thương chiến tranh, khôi phục, phát triển kinh tế văn hóa xã hội và tuổi trẻ miền Nam đấu tranh ngày càng quyết liệt với quân Mỹ – Diệm; từ ngày 08/10 đến ngày 15/10 năm 1956, Trung ương Liên đoàn Thanh niên Việt Nam và Ban vận động Mặt trận Thanh niên toàn quốc triệu tập Đại hội tại Nhà hát lớn Hà Nội để thống nhất các tổ chức thanh niên Việt Nam và lấy tên là Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam.

Ngày 15/10/1956, Đại hội vinh dự được đón Bác Hồ kính yêu đến dự. Huấn thị tại Đại hội, Bác căn dặn: “…Là người chủ tương lai, cho nên toàn thể thanh niên ta phải đoàn kết chặt chẽ, phấn đấu anh dũng, vượt mọi khó khăn, thi đua giúp sức vào sự nghiệp xây dựng nước nhà tốt đẹp – một nước Việt Nam hoà bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh…”.

Và tiếp bước truyền thống cha anh, trong cuộc kháng chiến chống Pháp,Mỹ của dân tộc Việt Nam đã xuất hiện rất nhiều chiến sỹ kiên trung, hiên ngang bất khuất như La Văn Cầu, Lý Tự Trọng … trong đó, có anh hùng Nguyễn Văn Trỗi.

Nguyễn Văn Trỗi sinh ngày 1/2/1940 tại làng Thanh Quýt, nay là xã Điện Thắng Trung, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam, trong một gia đình có truyền thống cách mạng. Anh là người thông minh, nhanh nhẹn, siêng năng, học giỏi, được thầy yêu, bạn mến.

Tuổi thơ của Nguyễn Văn Trỗi trải qua nhiều vất vả, từng phải đi làm thuê kiếm sống. Sau đó, anh theo người nhà đến vùng đất Đà Nẵng lao động và tranh thủ học nghề thợ may. Hè năm 1956, Nguyễn Văn Trỗi một mình vào Sài Gòn (nay là thành phố Hồ Chí Minh) sinh sống. Ở đây, anh vừa làm thuê để kiếm sống, vừa học nghề điện, sau đó trở thành công nhân nhà máy điện Chợ Quán.

Khoảng giữa năm 1963, Nguyễn Văn Trỗi gia nhập tổ chức, trở thành một chiến sỹ biệt động Sài Gòn, bước vào đời hoạt động cách mạng, luôn hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao. Đầu năm 1964, anh được cử đến căn cứ Rừng Thơm (Long An) học tập một số chiến thuật đánh giặc. Anh đã sớm nhắm một số mục tiêu như: Cư xá Mỹ ở đường Cao Thắng, tàu hải quân Mỹ đóng ở Bạch Đằng … Có lần anh đã ném lựu đạn làm chết và bị thương nhiều tên địch.

Biết tin phái đoàn quân sự cấp cao của Mỹ do Mắc Namara – Bộ trưởng Bộ Quốc phòng dẫn đầu sẽ đến Sài Gòn thị sát chiến trường vào tháng 5/1964, lực lượng của ta liền vạch kế hoạch tiêu diệt Mắc Namara. Với tình yêu quê hương và lòng căm thù giặc sâu sắc nên mặc dù mới cưới vợ được hơn mười ngày, Nguyễn Văn Trỗi vẫn xung phong nhận nhiệm vụ, cùng đồng đội tiến hành cài mìn ở cầu Công Lý (nay là cầu Nguyễn Văn Trỗi, Thành phố Hồ Chí Minh) – nơi dự đoán là Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Mác Namara cùng phái đoàn Mỹ từ sân bay Tân Sơn Nhất về trung tâm Thành phố Sài Gòn sẽ đi qua. Tuy nhiên, khi Nguyễn Văn Trỗi cùng đồng đội mới đặt được quả mìn nặng 8 kg ở cạnh cầu Công Lý, đang chuẩn bị nốt một số công việc còn lại thì không may việc bị bại lộ, anh bị giặc bắt.

Để đảm bảo an toàn hoạt động và tính mạng cho đồng đội, Nguyễn Văn Trỗi kiên quyết không khai mà còn nhận trách nhiệm về mình. Sau một thời gian giam giữ, tra tấn, kẻ thù đưa Nguyễn Văn Trỗi ra xử tại tòa, rồi kết án tử hình. Những ngày cuối cùng của cuộc đời, trước giây phút bị quân thù xử tử, anh vẫn không ngừng đấu tranh với kẻ địch, luôn lạc quan, tin tưởng vào thắng lợi của cách mạng Việt Nam.

Biết tin Nguyễn Văn Trỗi đang chờ ngày thi hành án tử hình ở Sài Gòn, cảm phục trước khí phách chiến đấu của anh, du kích Venezuela bắt một trung tá Mỹ ngay trên đường phố Thủ đô Caracas để trao đổi, giải thoát cho anh và tuyên bố nếu chính quyền Việt Nam Cộng hòa xử tử Nguyễn Văn Trỗi, lập tức trung tá Mỹ sẽ bị bắn chết. Tuy đã có sự thỏa thuận, nhưng khi trung tá Mỹ vừa được thả ra thì chính quyền Việt Nam Cộng hòa trở mặt, lật lọng. Chúng hèn hạ xử bắn anh tại trường bắn Khám Chí Hòa, Sài Gòn sáng ngày 15/10/1964.

Trong những tháng năm chiến tranh ác liệt đó, Bác Hồ vẫn dành sự quan tâm sâu sắc đến ngành giáo dục nước nhà bằng những lời động viên, những buổi thăm hỏi và cả bằng những lá thư.Trong đó, không thể không kể đến bức thư Bác viết vào ngày 15-10-1968, gửi “các cán bộ, cô giáo, thầy giáo, công nhân viên, học sinh, sinh viên nhân dịp đầu năm học mới”. Năm học 1961, thực hiện ý kiến của Bác Hồ, phong trào thi đua “ Hai Tốt” được phát động bắt đầu từ tiếng trống khai trường của trường cấp II Bắc Lý. Phong trào lan rộng trong cả nước, cho đến năm học 1968-1969 mà Bác gọi là “ năm học thứ tư chống Mỹ cứu nước”, bức thư của Bác ra đời như một quyết tâm thư của ngành giáo dục về thi đua dạy tốt và học tốt.

Ở vào thời điểm này, giặc Mỹ điên cuồng ném bom phá hoại miền Bắc, tình trạng sức khoẻ của Bác đã có dấu hiệu xấu đi nhiều. Bác tỏ ra đặc biệt quan tâm khi nghe Bộ trưởng Bộ Giáo dục Nguyễn Văn Huyên và Bộ trưởng Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp Tạ Quang Bửu báo cáo tình trạng dạy và học dưới làn bom đạn của quân thù, trong khi lương thực, thực phẩm thiếu thốn, nhưng việc sơ tán trường lớp vẫn đảm bảo an toàn, phong trào thi đua dạy và học vẫn khí thế. Bức thư đánh máy, Bác đọc rất kỹ, đã sửa chữa một số câu chữ, còn chuyển nhờ Bộ trưởng Nguyễn Văn Huyên xem kỹ và thêm ý kiến (bút tích còn lưu trữ ở bảo tàng Hồ Chí Minh).

Sau lời thăm hỏi ân cần mở đầu, Bác nhận xét và biểu dương thành tích của sự nghiệp giáo dục: Trong hoàn cảnh cả nước có chiến tranh, sự nghiệp giáo dục của chúng ta vẫn phát triển nhanh, mạnh hơn bao giờ hết. Bác vui lòng biết rằng, mặc dù hoàn cảnh khó khăn, hiện nay miền Bắc nước ta đã có một vạn hai nghìn trường phổ thông, mỗi xã đều có trường cấp I, nhiều xã đã có trường cấp II, các huyện đều có ít nhất một trường cấp III. Số người đi học đã hơn sáu triệu, trong đó có hơn một triệu cán bộ và công nông đang học bổ túc văn hoá. Số người vào học các trường đại học và trung học chuyên nghiệp tăng gấp ba lần so với trước chiến tranh chống Mỹ. Hơn 30 trường đại học và trung học chuyên nghiệp đã phối hợp chặt chẽ với các ngành và các địa phương, đẩy mạnh công tác đào tạo cán bộ, tập trung cũng như tại chức”. Những dòng thư này là tư liệu lịch sử quý giá về nền giáo dục ở miền Bắc nước ta vào thời điểm chiến tranh chống Mỹ ác liệt nhất.

Động viên, khích lệ để nhắc nhở ân cần. Đó là cách của một nhà chính trị đại tài, khi những dòng tiếp theo Bác nhắc nhở 5 điều phải làm: Nâng cao tinh thần yêu Tổ Quốc, yêu chủ nghĩa xã hội, cố gắng cho xứng đáng với đồng bào miền Nam anh hùng; Tiếp tục thi đua dạy tốt và học tốt; Bảo đảm sức khoẻ và an toàn; Phát huy đầy đủ dân chủ và xã hội chủ nghĩa; Các cấp Đảng và chính quyền phải thật sự quan tâm hơn nữa đến sự nghiệp giáo dục, chăm sóc nhà trường về mọi mặt.

Không ai ngờ đó là bức thư cuối cùng của vị cha già dân tộc, nhưng từ những dòng thư ấy, hàng ngàn nhà giáo, học sinh, sinh viên đã cố gắng nỗ lực hết mình vì đồng bào miền Nam ruột thịt, hàng trăm nhà giáo và sinh viên đã gác bút nghiên lên đường ra trận và quyết tử cho Tổ Quốc quyết sinh.

Rộn ràng kỉ niệm ngày 15/10 nhiều ý nghĩa, tập thể học sinh trường THCS Nguyễn Văn Trỗi sẽ cố gắng phấn đấu học thật tốt, rèn luyện chăm để nối tiếp truyền thống quý báu của dân tộc.

Một số hình ảnh:

Bài: Trà My – 9A.

Tin: Đông Đức.